Từ vị trí gần cuối bảng xếp hạng, Quảng Ninh đã bứt phá vươn lên, duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước trong 5 năm liên tiếp (2013-2017).
Từ vị trí gần cuối bảng xếp hạng (58/63 tỉnh, thành phố vào năm 2007), Quảng Ninh đã liên tục bứt phá vươn lên, duy trì trong nhóm các tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế xuất sắc nhất cả nước trong 5 năm liên tiếp (2013-2017).
Đặc biệt, năm 2017 Quảng Ninh giành quán quân. Đóng góp vào thành tích chung này phải kể đến nỗ lực ngành thuế của tỉnh.
Cục Thuế Quảng Ninh cũng là đơn vị cùng với Cục Hải quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ban quản lý khu kinh tế xếp đầu bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh cấp sở, ngành, địa phương (DDCI Quảng Ninh 2017).
Bảng xếp hạng này có sự tham gia của 35 đơn vị gồm 14/14 địa phương và 21 sở, ngành trên địa bàn tỉnh.
Chỉ số DDCI Quảng Ninh 2017 được thực hiện trên cơ sở tổng hợp ý kiến của 1.500 doanh nghiệp đánh giá 8 trụ cột chính của điều hành kinh tế (tính minh bạch, tính năng động của hệ thống chính quyền, chi phí thời gian, chi phí không chính thức, cạnh tranh bình đẳng, thiết chế pháp lý, hỗ trợ doanh nghiệp, trách nhiệm người đứng đầu).
Để đạt được kết quả trên, Cục Thuế Quảng Ninh trong những năm qua đã không ngừng cải cách, cải tiến chất lượng dịch vụ, áp dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý thuế và hỗ trợ người nộp thuế.
Một trong những nỗ lực đáng chú ý của Cục Thuế Quảng Ninh là đẩy mạnh việc khai thuế và nộp thuế điện tử.
Theo Cục Thuế Quảng Ninh, đến nay có tới 99,5% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thực hiện khai thuế qua mạng, 98% doanh nghiệp nộp thuế điện tử.
Tuy nhiên, việc đưa hóa đơn điện tử vào sử dụng thay thế cho hóa đơn giấy tại địa phương này còn gặp nhiều trở ngại.
Đến ngày 20/5/2018, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh mới có 382 doanh nghiệp thực hiện áp dụng hóa đơn điện tử, con số này còn khá khiêm tốn khi mà chỉ 5 tháng đầu năm nay, tỉnh này đã có 1.041 doanh nghiệp thành lập mới.
Ông Cao Ngọc Tuấn, Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh cho biết, việc triển khai hóa đơn điện tử vẫn còn có những khó khăn. Theo Chỉ thị số 07/CT-TTg ngày 05/3/2018 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai hiệu quả Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 16/5/2016 về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 và Chỉ thị số 26/CT-TTG ngày 6/6/2017 về tiếp tục triển khai hiệu quả Nghị quyến số 35 theo tinh thần Chính phủ đồng hành cùng doanh nghiệp, trong năm 2018 sẽ xây dựng Nghị định về hóa đơn, chứng từ điện tử. Tuy nhiên, đến nay chưa có Nghị định thay thế Nghị định 51/NĐ-CP hướng dẫn cụ thể về hóa đơn điện tử.
Theo ông Cao Ngọc Tuấn, vẫn còn nhiều doanh nghiệp do thói quen lập hóa đơn bằng giấy, chưa mạnh dạn áp dụng hóa đơn điện tử. Nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đáp ứng được hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin để thực hiện hóa đơn điện tử.
Những khó khăn vướng mắc khi triển khai hóa đơn điện tử tại Quảng Ninh cũng là khó khăn chung của ngành thuế khi triển khai hóa đơn điện tử.
Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch Đại lý thuế Tâm Việt cho rằng, về bản chất, hóa đơn điện tử cập nhật ngay hành vi giao dịch tại thời điểm diễn ra sau vài giây để kiểm soát nguồn thu.
Việc làm này rút ngắn thời gian từ khi phát sinh đến thời điểm kê khai doanh số. Đây có thể nói là giải pháp không mong muốn của các doanh nghiệp đang thiếu minh bạch trong kê khai thuế. Do vậy, việc triển khai không thể hô hào, khuyến khích mà cần có quy định cụ thể.
Để từng bước tháo gỡ những khó khăn, ông Cao Ngọc Tuấn cho biết, Cục Thuế Quảng Ninh đã và đang đưa ra những giải pháp nhằm đẩy mạnh triển khai việc áp dụng hóa đơn điện tử tại các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, ngành thuế tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền lợi ích của việc áp dụng hóa đơn điện tử đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bằng nhiều hình thức như: tuyên truyền trên báo, đài phát thanh và truyền hình địa phương, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, trang fanpage ddciquangninh…
Bên cạnh đó, ngành thuế cũng chỉ đạo các phòng, chi cục thuế các huyện, thị xã, thành phố về việc triển khai hóa đơn điện tử đến các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; phối hợp với các nhà cung cấp, tổ chức nhiều hội nghị triển khai hướng dẫn về hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Từ đầu năm 2017 đến nay, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã tổ chức 37 hội nghị tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh triển khai áp dụng hóa đơn điện tử với hơn 5.400 lượt người tham dự.
Ngay từ đầu năm 2018, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh đã tập trung nguồn lực tuyên truyền rộng rãi đến các doanh nghiệp trên địa bàn áp dụng hóa đơn điện tử, đồng thời phối hợp với các nhà cung cấp tổ chức nhiều cuộc hội nghị hướng dẫn cụ thể, chi tiết đến các tổ chức, doanh nghiệp các bước chuẩn bị cơ sở vật chất hạ tầng kĩ thuật và các thao tác lập, sử dụng hóa đơn điện tử.
Qua các cuộc hội nghị, mọi vướng mắc, khó khăn của người nộp thuế được giải đáp và tháo gỡ kịp thời.
Ngoài ra, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh còn thành lập tổ triển khai, các bộ phận chức năng và công bố các số điện thoại hỗ trợ trực tiếp cho người nộp thuế trong quá trình thực hiện hóa đơn điện tử.
Tại cuộc Hội thảo Công bằng Thuế Việt Nam năm 2017 vừa diễn ra tại Hà Nội vào hồi cuối tháng 5, Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế doanh nghiệp lớn, Bộ Tài chính Nguyễn Văn Phụng cho biết: “Hóa đơn điện tử với mục đích là minh bạch hóa chi tiêu, chúng tôi cũng đang gặp rất nhiều sức ép bởi những doanh nghiệp không minh bạch sẽ không thích hóa đơn điện tử”.
Bên cạnh tình trạng nghẽn mạng khi kê khai thuế, sự kết nối đồng bộ giữa các cơ quan quản lý, các vấn đề về chi phí và lộ trình áp dụng hóa đơn điện tử thì việc doanh nghiệp “ngại” minh bạch tìm cách “chậm” triển khai là thách thức lớn khi triển khai hóa đơn điện tử.
Theo Tổng Cục Thuế, việc áp dụng công nghệ thông tin trong ngành thuế đã và đang được tiến hành rất thành công trong lĩnh vực nộp thuế điện tử, kê khai thuế qua mạng, hoàn thuế điện tử nhằm hỗ trợ tối ưu cho doanh nghiệp nói riêng, người nộp thuế nói chung.
Các doanh nghiệp trong các năm qua với sự hỗ trợ tích cực của cơ quan thuế các cấp đã có nhiều kinh nghiệm trong việc triển khai các dịch vụ thuế điện tử của cơ quan thuế.
Hiện nay, tại Dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 51/2010/NĐ-CP của Chính phủ, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ các dự kiến hỗ trợ cung cấp Cổng thông tin cho phép các doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác xã tại các vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn.
Tại đó các doanh nghiệp khởi nghiệp, các hộ kinh doanh lớn có thể lập hóa đơn trực tiếp trên cổng thông tin của cơ quan thuế.
Khi đó, các đối tượng dự thảo nêu trên chỉ cần có máy tính kết nối mạng internet và chứng thư số là có thể xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng dự kiến xây dựng các chuẩn về hóa đơn để cung cấp ra bên ngoài, giúp các doanh nghiệp sử dụng phần mềm lập hóa đơn nhanh chóng chỉnh sửa phần mềm để có thể tích hợp được hệ thống của cơ quan thuế. Bộ Tài chính cũng đưa ra các tiêu chuẩn để những doanh nghiệp mạnh về công nghệ thông tin có thể trở thành những nhà cung cấp dịch vụ về hóa đơn đáng tin cậy, từ đó nhanh chóng hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những doanh nghiệp chưa có kinh nghiệm về công nghệ thông tin.
Trong thời gian tới, khi có đủ cơ sở pháp lý về việc cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế, dự kiến sẽ có nhiều doanh nghiệp đáp ứng được yêu cầu cung cấp dịch vụ trên tham gia lĩnh vực này.
Từ đó, sẽ tạo ra sự cạnh tranh về giá cả, chất lượng dịch vụ cũng như uy tín đối với khách hàng để phục vụ người nộp thuế ngày càng được tốt hơn./.