Lưu ý Quyết toán Thuế TNDN, TNCN năm 2020

LƯU Ý QUYẾT TOÁN THUẾ TNDN, TNCN NĂM 2020

Quyết toán thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) , Thu nhập cá nhân (TNCN) năm 2020 chắc hẳn sẽ có nhiều điểm khác với một năm đầy biến động không chỉ bởi các Chính sách. M-Invoice xin gửi tới quý Khách hàng những lưu ý để các Doanh nghiệp thuận lợi trong việc thực hiện Quyết toán thuế TNDN và TNCN của mình

Các lưu ý này chỉ tập trung vào một số mục như: một số quy định được sửa đổi, bổ sung dễ bị quên hoặc bỏ sót, dẫn tới những sai sót đáng tiếc xảy ra khi lập báo cáo.

A Lưu ý Quyết toán Thuế Thu nhập doanh nghiệp – TNDN

  • Giảm 30% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp của kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2020 đối với trường hợp doanh nghiệp có tổng doanh thu năm 2020 không quá 200 tỷ đồng. (Nghị định 114/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020).
  • Đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết: Tổng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 30% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh trong kỳ cộng chi phí lãi vay (sau khi trừ lãi tiền gửi và lãi cho vay) phát sinh trong kỳ cộng chi phí khấu hao phát sinh trong kỳ. Phần chi phí lãi vay không được trừ theo quy định trên được chuyển sang kỳ tính thuế tiếp theo khi xác định tổng chi phí lãi vay được trừ trong trường hợp tổng chi phí lãi vay phát sinh được trừ của kỳ tính thuế tiếp theo thấp hơn mức quy định. Thời gian chuyển chi phí lãi vay tính liên tục không quá 05 năm kể từ năm tiếp sau năm phát sinh chi phí lãi vay không được trừ.
  • Công ty có phát sinh giao dịch với bên liên kết thì Công ty cần thực hiện kê khai & lưu trữ thông tin các giao dịch liên kết.
    • Lập và nộp Phụ lục Mẫu số 01,02,03,04 (Nghị định số 20/2017/NĐ-CP) – Thông tin về quan hệ liên kết và giao dịch liên kết cùng với thời hạn nộp tờ khai quyết toán thuế TNDN;
    • Đồng thời Công ty phải lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết để lưu trữ tại Công ty và xuất trình khi Cơ quan thuế yêu cầu. (trừ trường hợp Công ty thuộc đối tượng được miễn lập Hồ sơ xác định giá giao dịch liên kết).
  • Đối với chi phí cách ly tại khách sạn cho chuyên gia nước ngoài, trường hợp doanh nghiệp ký hợp đồng lao động với người lao động trong đó có ghi khoản chi về tiền nhà do doanh nghiệp trả cho người lao động thì khoản chi phí trả cho cơ sở cách ly được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp nếu có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định. (Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 của Tổng Cục Thuế).
  • Khoản chi phí xét nghiệm Covid-19 cho chuyên gia nước ngoài được coi là khoản chi có tính chất phúc lợi chi trực tiếp cho người lao động, nếu khoản chi phí này được thực hiện theo quy định tại Điểm 2.30 Khoản 2 Điều 6 Thông tư số 78/2014/TT-BTCngày 18/6/2014 của Bộ Tài chính (được sửa đổi bổ sung tại Điều 4 Thông tư số 96/2015/TT-BTC ngày 22/6/2015 cua Bộ Tài chính) thì được tính vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp khi có đầy đủ hóa đơn, chứng từ và thanh toán theo quy định. (Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 của Tổng Cục Thuế).
  • Ưu đãi thuế TNDN doanh nghiệp thành lập trong khu công nghiệp thuộc địa bàn đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh:

Kể từ sau thời điểm trở thành đô thị loại 1 thì các dự án đầu tư mới, dự án đã thành lập trong KCN thuộc địa bàn được công nhận là đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh nếu có dự án đầu tư mở rộng thì không được hưởng ưu đãi thuế TNDN quy định tại Điều 16 Nghị định 218/2013/NĐ-CP ngày 26/12/2013.

 (Văn bản số 3934/CT-TT&HT ngày 07 tháng 03 năm 2018 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương).

Doanh nghiệp đang được hưởng ưu đãi thuế TNDN theo các quy định của pháp luật thuế TNDN tại thời điểm cấp giấy chứng nhận đầu tư thì Công ty tiếp tục được hưởng ưu đãi cho thời gian còn lại theo quy định của các văn bản đó.

(Văn bản số 5684/CT-TT&HT ngày 11 tháng 04 năm 2019 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương).

Lưu ý: Thành phố Thuận An và Thành phố Dĩ An, tỉnh Bình Dương thuộc đô thị loại III.

  • Quà tặng phải viết hóa đơn đầu ra như bán hh, dv: trường hợp phát sinh chi phí quà tặng cho nhân viên và khách hàng, khi biếu tặng Công ty phải xuất hóa đơn GTGT, được khấu trừ thuế GTGT đầu vào và chịu thuế GTGT đầu ra.

(Văn bản số 21007/CT-TT&HT ngày 19 tháng 11 năm 2018 của Cục Thuế tỉnh Bình Dương).

  • Các khoản trích trước và Ngày lập hóa đơn đối với xây dựng, lắp đặt là thời điểm nghiệm thu, bàn giao công trình, hạng mục công trình, khối lượng xây dựng, lắp đặt hoàn thành, không phân biệt đã thu được tiền hay chưa thu được tiền. Trường hợp bàn giao từng hạng mục, công đoạn đều phải lập hóa đơn cho khối lượng dịch vụ được giao.

Công ty xây dựng có thuê nhà thầu phụ lưu ý yêu cầu nhà thầu phụ xuất hóa đơn đúng theo quy định.Trường hợp chưa có hóa đơn Công ty trích trước chi phí nhà thầu, đối với khoản trích trước này có thể sẽ không được xem là chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN.

Theo quy định tại Thông tư 48/2019/TT-BTC doanh nghiệp dự kiến mức tổn thất để trích lập dự phòng bảo hành sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ, công trình xây dựng đã tiêu thụ và dịch vụ đã cung cấp trong năm tối đa không quá 5% tổng doanh thu tiêu thụ trong năm.

  • Trích lập dự phòng Thông tư 48/2019/TT-BTC ngày 08 tháng 08 năm 2019 của Bộ Tài chính:

Doanh nghiệp không trích lập dự phòng rủi ro cho các khoản đầu tư ra nước ngoài.

  • Dự phòng nợ phải thu khó đòi

Phải có chứng từ gốc chứng minh số tiền đối tượng nợ chưa trả, bao gồm:

    • Một trong số các chứng từ gốc sau: Hợp đồng kinh tế, khế ước vay nợ, cam kết nợ;
    • Bản thanh lý hợp đồng (nếu có);
    • Đối chiếu công nợ; trường hợp không có đối chiếu công nợ thì phải có văn bản đề nghị đối chiếu xác nhận công nợ hoặc văn bản đòi nợ do doanh nghiệp đã gửi (có dấu bưu điện hoặc xác nhận của đơn vị chuyển phát);
    • Bảng kê công nợ;
    • Các chứng từ khác có liên quan (nếu có).

Sau khi lập dự phòng cho từng khoản nợ phải thu khó đòi, doanh nghiệp tổng hợp toàn bộ khoản dự phòng các khoản nợ vào bảng kê chi tiết để làm căn cứ hạch toán vào chi phí của doanh nghiệp.

Doanh nghiệp không thực hiện trích lập dự phòng khoản nợ phải thu quá thời hạn thanh toán phát sinh từ khoản lợi nhuận, cổ tức được chia do góp vốn đầu tư vào các doanh nghiệp khác.

Khi trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi của một đối tượng nợ có phát sinh cả nợ phải thu và nợ phải trả, căn cứ biên bản đối chiếu công nợ giữa hai bên để doanh nghiệp trích lập dự phòng trên cơ sở số còn phải thu sau khi đã bù trừ khoản nợ phải trả của đối tượng này.

  • Dự phòng giảm giá hàng tồn kho

Bỏ đối tượng trích lập dự phòng: sản phẩm dở dang, chi phí dịch vụ dở dang.

    • Lỗ chênh lệch tỷ giá khi đánh giá lại khoản mục tiền và nợ phải thu không được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN.
    • Chi phí tiền lương của người lao động nước ngoài khi chưa có giấy phép lao động sẽ không được tính vào chi phí được trừ khi quyết toán thuế TNDN.

(Công văn 6351/CT-TTHT ngày 15 tháng 02 năm 2019 – Cục  Thuế Hà Nội).

  • Tiền lương làm thêm giờ vượt mức quy định là chi phí không được trừ: Khi tính tiền lương làm thêm giờ cần xác định số giờ làm thêm được phép tính theo quy định của pháp luật lao động: Tối đa không quá 200 giờ trong 01 năm; trường hợp đặc biệt không quá 300 giờ trong 01 năm theo quy định tại điều 106 Bộ Luật Lao động năm 2012. Trường hợp làm thêm vượt quá định mức cho phép nêu trên là hành vi vi phạm pháp luật.

Phần thu nhập từ tiền lương, tiền công do làm việc ban đêm, làm thêm giờ được trả cao hơn so với mức tiền lương, tiền công tính theo ngày làm việc bình thường cho số giờ làm thêm không vượt quá mức quy định tại Điều 106 của Bộ luật Lao động được miễn thuế thu nhập cá nhân.

(Văn bản số 4641/TCT-DNNCN ngày 12 tháng 11 năm 2019 của Tổng Cục Thuế).

B. Lưu ý Quyết toán Thuế Thu nhập cá nhân – TNCN

  • Người lao động nước ngoài được Công ty chi trả khoản chi phí cách ly phòng chống dịch Covid-19 khi nhập cảnh vào Việt Nam thì khoản chi này là lợi ích dược hưởng của người lao động. Do đó, khoản chi nêu trên được tính vào thu nhập chịu thuế Thu nhập cá nhân từ tiền lương, tiền công của người lao động. (Công văn số 5032/TCT-CS ngày 26/11/2020 của Tổng Cục Thuế).
  • Đợt dịch Covid-19 có phát sinh một số khoản chi mua khẩu trang, nước sát khuẩn tay, một số phụ kiện bảo hộ và chi xét nghiệm các bệnh truyền nhiễm cho nhân viên để phòng ngừa lây nhiễm vi rút Covid-19, nếu khoản chi ghi rõ tên cá nhân hưởng thì khoản chi này tính vào thu nhập chịu thuế TNCN; nếu khoản chi không ghi rõ tên cá nhân hưởng mà chi chung cho tập thể người lao động thì không tính vào thu nhập chịu thuế TNCN. (Công văn số 44403/CT-TTHT ngày 1/6/2020 của Cục Thuế Tp Hà Nội)
  • Người nộp thuế là cá nhân khi thay đổi thông tin về giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu thì ngày phát sinh thông tin thay đổi là 20 ngày (riêng các huyện miền núi vùng cao, biên giới, hải đảo là 30 ngày) kể từ ngày ghi trên giấy chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu (Khoản 2 Điều 6 Nghị định 126).

Trước đây: Luật Quản lý thuế quy định thời hạn nộp hồ sơ thay đổi thông tin đăng ký thuế là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh thay đổi.

  • Tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập có trách nhiệm đăng ký thuế thay:
    • Cho cá nhân có thu nhập chưa có mã số thuế chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày phát sinh nghĩa vụ thuế;
    • Cho người phụ thuộc chưa có mã số thuế, chậm nhất là 10 ngày làm việc kể từ ngày người nộp thuế đăng ký giảm trừ gia cảnh theo quy định của pháp luật.

Trước đây: Đămg ký một lần trong năm chậm nhất là 10 ngày làm việc trước thời điểm nộp hồ sơ quyết toán thuế TNCN.

  • Khai bổ sung tờ khai quyết toán thuế thu nhập cá nhân đối với tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công thì đồng thời phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng (Điểm a Khoản 4 Điều 7).

Trước đây: Tại Khoản 5 Điều 10 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định: Trường hợp đã nộp hồ sơ khai quyết toán thuế năm thì chỉ khai bổ sung hồ sơ khai quyết toán thuế năm, không phải khai bổ sung tờ khai tháng, quý có sai, sót tương ứng.

  • Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế thu nhập cá nhân đối với cá nhân có thu nhập tiền lương, tiền công tại hai nơi trở lên trong trường hợp vừa có thu nhập thuộc diện khai trực tiếp, vừa có thu nhập do tổ chức chi trả đã khấu trừ thì cá nhân nộp hồ sơ khai quyết toán thuế tại cơ quan thuế nơi có nguồn thu nhập lớn nhất trong năm (Điểm b.1 Khoản 7 Điều 11).

Trước đây: Tại Khoản 3 Điều 21 Thông tư số 92/2015/TT-BTC quy định: Các trường hợp có thu nhập từ hai nơi trở lên (không phân biệt trường hợp cá nhân có thu nhập từ tiền lương, tiền công thuộc diện tự khai đồng thời có thu nhập thuộc diện khấu trừ tại nguồn) thì nơi nộp hồ sơ quyết toán được xác định theo theo nơi tính giảm trừ gia cảnh cho bản thân, trường hợp không nơi nào tính giảm trừ cho bản thân thì xác định theo Chi cục Thuế nơi cá nhân cư trú.

  • Cá nhân cư trú người nước ngoài thu nhập chịu thuế là thu nhập phát sinh trong và ngoài lãnh thổ Việt Nam, không phân biệt nơi trả và nhận thu nhập.

 Trong một số trường hợp lương người nước ngoài thấp và giải trình không hợp lý thì cơ quan Thuế có quyền ấn định thu nhập tính thuế TNCN.

  • Lao động nước ngoài thuộc đối tượng cư trú tính thuế TNCN theo biểu lũy tiến. Cá nhân cư trú là người đáp ứng 1 trong 2 điều kiện sau:
    • Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên tính trong một năm dương lịch;
    • Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam.

Nếu thuộc đối tượng không cư trú, thuế suất thuế TNCN bằng 20% trên tổng thu nhập.

– Người nước ngoài kết thúc hợp đồng làm việc tại Việt Nam phải thực hiện quyết toán thuế với cơ quan thuế trước khi xuất cảnh.

C MỘT SỐ ĐIỂM MỚI CẦN LƯU Ý

  • Thuế giá trị gia tăng là loại thuế khai theo tháng, quý, từng lần phát sinh. Trường hợp người nộp thuế khai thuế theo tháng đủ điều kiện khai thuế theo quý thì được lựa chọn chuyển sang khai thuế theo quý hoặc tiếp tục khai thuế theo tháng. Thời kỳ khai thuế tháng/quý ổn định trọn năm dương lịch, trường hợp đang khai tháng đủ điều kiện khai quý và chuyển sang khai quý thì phải có văn bản gửi cơ quan thuế, trường hợp đang khai thuế GTGT theo quý phát hiện không đủ điều kiện khai theo quý thì không phải nộp lại hồ sơ khai thuế theo tháng của các quý trước đó nhưng phải nộp Bản xác định số tiền thuế phải nộp theo tháng tăng thêm so với số đã kê khai theo quý và phải tính tiền chậm nộp (Điều 9).

Trước đây:

– Tại Khoản 3 Điều 4 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP chỉ quy định về nguyên tắc áp dụng đối với người nộp thuế đáp ứng điều kiện có tổng doanh thu của hàng hóa, dịch vụ của năm trước liền kề từ 50 tỷ đồng trở xuống.

– Tại Điều 15 Thông tư số 151/2014/TT-BTC ngày 10/10/2014 của Bộ Tài chính hướng dẫn: thời kỳ khai thuế tháng/quý ổn định trọn năm dương lịch và theo chu kỳ ổn định 3 năm, trường hợp đủ điều kiện khai quý nhưng muốn khai tháng thì phải có văn bản gửi cơ quan thuế, trường hợp đang khai thuế GTGT theo quý phát hiện không đủ điều kiện khai theo quý thì kể từ năm tiếp theo liền kề của năm phát hiện cho đến hết chu kỳ ổn định, người nộp thuế phải thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo tháng.

  • Tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý, theo đó tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 03 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán năm áp dụng bắt đầu từ kỳ tính thuế năm 2021. Trường hợp người nộp thuế nộp thiếu so với số thuế phải tạm nộp 03 quý đầu năm thì phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế nộp thiếu kể từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp quý 03 đến ngày nộp số thuế còn thiếu vào ngân sách nhà nước (Điểm b Khoản 6 Điều 8).

Trước đây: Tại Khoản 6 Điều 4 Nghị định số 91/2014/NĐ-CP và Điều 17 Thông tư 151/2014/TT-BTC quy định trường hợp tổng số bốn lần tạm nộp thấp hơn từ 20% trở lên so với số thuế thu nhập doanh nghiệp phải nộp theo quyết toán thì doanh nghiệp phải nộp lãi chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số tạm nộp với số quyết toán tính từ ngày tiếp sau ngày cuối cùng của thời hạn nộp thuế quý bốn của doanh nghiệp đến ngày thực nộp số thuế còn thiếu so với số quyết toán.

  • Tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý thì vẫn phải khai thuế (điểm b Khoản 3 Điều 7).

Trước đây: Theo quy định tại điểm a.1 khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC ngày 6/11/2013 thì tổ chức, cá nhân trả thu nhập không phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân theo tháng, quý thì không phải khai thuế.

  • Tổ chức chi trả các khoản thưởng, hỗ trợ đạt doanh số, khuyến mại, chiết khấu thương mại, chiết khấu thanh toán, chi hỗ trợ bằng tiền hoặc không bằng tiền khác cho cá nhân là các hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán thì tổ chức có trách nhiệm khai thuế thay và nộp thuế thay cho cá nhân theo quy định (Điểm đ Khoản 5 Điều 7)..

Trước đây: Chưa có quy định cụ thể về vấn đề này. Để xử lý vướng mắc, căn cứ Thông tư số 219/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013, Thông tư số 92/2015/TT-BTC ngày 15/6/2015, Tổng cục Thuế ban hành một số công văn tạm thời hướng dẫn tổ chức không khấu trừ thuế, không phải khai thay, nộp thay thuế cho cá nhân trong trường hợp chiết khấu thương mại.

Công văn số 1163/TCT-TNCN ngày 21/3/2016 của Tổng Cục Thuế: Chỉ có khoản chi “chiết khấu thanh toán”, chi “hỗ trợ khách hàng đạt doanh số”, thì Công ty khai thay cho cá nhân theo tỷ lệ 1% trên số tiền cá nhân nhận được.

  • Tổ chức, cá nhân trả thu nhập từ tiền lương, tiền công có phát sinh khấu trừ thuế thu nhập cá nhân thực hiện khai thuế thu nhập cá nhân theo tháng. Trường hợp tổ chức, cá nhân chi trả thu nhập đủ điều kiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý thì được lựa chọn khai thuế thu nhập cá nhân theo quý (Điểm a Khoản 1 Điều 8).

Trước đây: Tại Điểm a.2 Khoản 1 Điều 16 Thông tư số 156/2013/TT-BTC quy định: Tổ chức, cá nhân trả thu nhập phát sinh số thuế khấu trừ trong tháng của ít nhất một loại tờ khai thuế thu nhập cá nhân từ 50 triệu đồng trở lên khai thuế theo tháng, trừ trường hợp tổ chức, cá nhân trả thu nhập thực hiện khai thuế giá trị gia tăng theo quý.

  • Trong năm có thay đổi về vốn thì người nộp lệ phí môn bài nộp hồ sơ khai lệ phí môn bài chậm nhất là ngày 30 tháng 01 năm sau năm phát sinh thông tin thay đổi (điểm a Khoản 1 Điều 10).

Trước đây: Không có quy định khai lệ phí môn bài đối với trường hợp trong năm có thay đổi về vốn.

Trên đây là những lưu ý M-Invoice muốn chia sẻ với Quý khách hàng. Xin chúc Quý Khách hàng luôn mạnh khoẻ và thành đạt.