Các trạm BOT sử dụng hóa đơn điện tử để thu phí không dừng

Các trạm BOT sử dụng hóa đơn điện tử để thu phí không dừng là nội dung quan trọng để thúc đẩy tử động hóa thu phí của các BOT. Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng vào sáng 16-3, theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, hiện đã có 19 trạm BOT thu phí không dừng đi vào vận hành thương mại, còn sáu trạm sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới. theo đó, đến hết năm 2019, toàn bộ các trạm BOT sẽ thu phí tự động
Thứ Sáu, 16/03/2018, 16:19:07

NDĐT – Tổng cục Đường bộ Việt Nam (ĐBVN) cho biết, đến hết năm 2019, tất cả các trạm thu phí BOT còn lại trên toàn quốc đều phải thu phí tự động không dừng (ETC). Đặc biệt, từ nay đến cuối năm, hơn 2,8 triệu ô-tô trên cả nước bắt buộc phải dán thẻ thu phí tự động (Etag), nếu không sẽ bị xử phạt.

Dán thẻ cho 2,3 triệu ô-tô

Tại hội nghị triển khai thực hiện Quyết định số 07/2017/QĐ-TTg và Chỉ thị số 06/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ theo hình thức điện tử không dừng vào sáng 16-3, theo báo cáo của Tổng cục ĐBVN, hiện đã có 19 trạm BOT thu phí không dừng đi vào vận hành thương mại, còn sáu trạm sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới.

“Cả nước mới thực hiện dán thẻ Etag cho hơn 500 nghìn ô-tô, còn 2,3 triệu ô-tô nữa chưa dán, nên từ nay đến cuối năm phải bắt buộc dán. Trên toàn tuyến quốc lộ 1 và quốc lộ 14 từ nay đến cuối năm sẽ thu phí tự động không dừng tại tất cả các trạm, nếu không yêu cầu các xe dán thẻ sẽ gây khó khăn trong việc thu phí” – Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho hay.

Vụ trưởng Hợp tác quốc tế (Tổng cục Đường bộ Việt Nam) Tô Văn Toàn cho biết, ngay từ năm 2010, ở Việt Nam bắt đầu triển khai thí điểm hệ thống thu phí tự động không dừng. Năm 2016, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) bắt đầu triển khai dự án thu phí không dừng và triển khai kiểm soát tải trọng xe. Sau khi lựa chọn công nghệ, Bộ GTVT đã quyết định lựa chọn công nghệ nhận dạng tần số vô tuyến tự động.

“Hình thức thu phí không dừng có nhiều lợi ích khi cơ quan quản lý Nhà nước dễ quản lý hơn, nhất là vấn đề minh bạch phí qua trạm BOT. Mỗi khi xe qua trạm, chủ xe sẽ nhận được tin nhắn trừ tiền phí, giảm thiểu ùn tắc giao thông qua trạm. Nhà đầu tư BOT và Tổng cục ĐBVN cũng có thể truy nhập hệ thống bất kỳ thời điểm nào để kiểm soát vấn đề thu phí” – ông Toàn đánh giá.

Đặc biệt, với mỗi xe dán thẻ Etag, khi qua hệ thống sẽ phát hiện được ngay xe nào BKS giả, hay hết hạn đăng kiểm,… Trong thời gian tới, Bộ GTVT sẽ phát triển hệ thống để kết nối với Bộ Công an, nhằm phát hiện vi phạm an toàn giao thông của xe đi qua trạm.

Trước nhiều ý kiến lo ngại của nhà đầu tư về chuyện không minh bạch, ông Toàn nhấn mạnh, nếu lắp hệ thống thu phí tự động sẽ minh bạch và chống được gian lận của nhân viên thu phí. Tất nhiên, trên mỗi làn vẫn cần nhân viên theo dõi để xử lý sự cố, song sẽ không còn cần nhân viên thu tiền, trả vé,…

Bên cạnh đó, theo lãnh đạo Tổng cục ĐBVN, hiện nay nhiều xe dán phim chống nóng ở bề mặt kính, có phủ lớp kim loại chống tia UV mặt trời, khi dán thẻ có thể làm giảm hiệu quả tín hiệu nhận dạng của thẻ Etag. Do đó, đơn vị cung cấp công nghệ ETC đã tính toán chuyển vị trí dán thẻ lên đèn (không ảnh hưởng đến việc chiếu sáng).

Xử phạt chủ xe không dán thẻ

Trạm thu phí trên quốc lộ 1, đoạn qua Quảng Bình sử dụng một làn thu phí tự động không dừng của nhà đầu tư Tasco.

Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Huyện nhấn mạnh, hiện nay, các đơn vị như Tổng cục ĐBVN, Cục Đăng kiểm Việt Nam đang nghiên cứu quy định bắt buộc dán thẻ Etag cho các phương tiện. Bộ GTVT cũng đang ráo riết nghiên cứu, xây dựng sửa đổi Nghị định 46/2016/NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông, bổ sung hành lang pháp lý và trình Chính phủ phê duyệt mới ban hành triển khai xử phạt với những trường hợp đi qua trạm BOT không có tiền trong tem, thẻ thu phí không dừng.

Đại diện một số đơn vị và chủ xe cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi một tài khoản có thể thanh toán nhiều xe? có được xuất hóa đơn không? bảo hành thẻ năm năm nhưng khi bị hỏng dán lại vẫn mất phí thì làm thế nào? có cơ chế ưu đãi hoặc khuyến mãi để khuyến khích chủ xe dán thẻ? xe qua trạm nhưng nếu hết tiền trong thẻ thì có được thế chấp khấu nợ trước không?…

Trả lời vấn đề này, Tổng cục trưởng ĐBVN Nguyễn Văn Huyện cho rằng, hiện nay trạm nào bán vé tháng, vé quý sau khi chuyển sang ETC thì vẫn chuyển sang vé tháng, vé quý như bình thường. Thí dụ, trên quốc lộ 1, có khoảng 20 trạm, một xe mua vé quý, vé tháng chỉ hai đến ba trạm, trạm nào mua vé quý, tháng thì tính theo quý hoặc tháng, trạm nào không mua thì hệ thống tự trừ tiền vé lượt. Hệ thống thu phí tự động đều nhận diện được và các lái xe có thể yên tâm.

Chỉ ra khó khăn hàng rào kỹ thuật khi liên kết với ngân hàng đối với chủ tài khoản dùng thẻ Etag nhưng hết tiền khi xe lưu thông qua trạm thu phí, theo ông Huyện, Tổng cục đã có yêu cầu mở rộng việc nạp tiền vào tài khoản, có thể xử lý bằng thế chấp, hoặc tín chấp trước, tốc độ xử lý của Ngân hàng đang chưa đáp ứng được, nhưng qua nghiên cứu đang cố gắng khắc phục và hoàn toàn có thể hoàn thiện.

Bổ sung thêm, ông Nguyễn Mạnh Hà, Tổng giám đốc Công ty TNHH Thu phí tự động VETC, để triển khai dán thẻ thu phí tự động, đơn vị có kinh phí hỗ trợ cán bộ ra dán thẻ, còn nạp tiền là tự nguyện của người sử dụng phương tiện.

“VETC khuyến khích khách hàng tự nguyện dán, lần đầu miễn phí. Trong lần hai, nếu quá trình sử dụng chủ xe bóc ra (tránh tình trạng xe con dán vào xe tải), thẻ vỡ sẽ phải chịu phí dán lại. Ngoài ra, Công ty cũng sẽ gửi hóa đơn điện tử thanh toán mỗi khi xe qua trạm bị trừ tiền” – ông Hà khẳng định.

Liên quan đến thắc mắc của lái xe đi từ bắc vào nam, nếu chỉ dán một thẻ Etag liệu có dùng chung khi hiện có đến ba đơn vị lắp đặt, vận hành thu phí tự động, ông Huyện khẳng định, trong thời gian tới, sẽ có công nghệ tiêu chuẩn dùng chung nên xe dán thẻ của đơn vị nào cũng xử lý được khi đi qua tất cả các trạm thu phí.

(Nguồn: Internet)